Ekip thực hiện bộ phim tài liệu Ranh Giới VTV Đặc biệt đã nằm vùng, bám trụ ở các điểm nóng, vùng đỏ, các bệnh viện dã chiến để quay được những thước phim chân thực nhất về cuộc chiến của Việt Nam chống lại đại dịch Covid-19.
Ranh giới “sinh ly tử biệt” xuất hiện trong mỗi thước phim
Bộ phim tài liệu Ranh giới được phát sóng tối ngày 8/9/2021 trong chương trình VTV Đặc biệt, với thời lượng 50 phút, mang đến thước phim chân thực và chính xác nhất về những gì đang diễn ra tại các điểm nóng, vùng đỏ, bệnh viện chữa trị bệnh nhân Covid-19.
Trong 50 phút ấy, khán giả cả nước đã được chứng kiến, lắng nghe rất nhiều câu chuyện khác nhau, từ những chia sẻ của các bệnh nhân F0, các y bác sĩ ngày đêm túc trực khám chữa bệnh hay những tình nguyện viên bất chấp nguy hiểm, khó khăn để tham gia chống dịch.
Cùng với đó, chúng ta cũng trải qua trăm ngàn cảm xúc khác nhau, từ sự ngưỡng mộ đối với các y bác sĩ, sự khâm phục ý chí chiến đấu với bệnh tật, tinh thần lạc quan của các F0, sự lo lắng cho các bệnh nhân, nhân viên, tình nguyện viên trong vùng dịch. Và cả những giọt nước mắt đau lòng, xót xa cho sự hi sinh của mọi người, những bác sĩ ngày đêm không ngủ, sản phụ phải từ bỏ đứa con nhỏ hay sự ra đi của các bệnh nhân…
Cuộc chiến nào cũng có đau thương và mất mát, có cống hiến và hi sinh, có những nỗi sợ hãi vô hình và nỗi đau dai dẳng của sự chia lìa, và cuộc chiến chống Covid-19 cũng vậy. Bởi vậy bất cứ ai, dù mạnh mẽ tới đâu, cũng đều đã rơi nước mắt khi xem bộ phim Ranh giới này, khi phải chứng kiến những hình ảnh quá đỗi chân thực và khốc liệt đến thế.
Chương trình phim tài liệu Ranh giới
Ekip “nằm vùng” giữa tâm dịch gần 1 tháng ròng
Bộ phim Ranh giới đã thể hiện chân thực đến ám ảnh về lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, về nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người: “Em sợ lắm”, “Cho em về nhà, để em được chết ở nhà”. Người bệnh sợ cái chết, bác sĩ sợ không cứu được bệnh nhân, ai cũng đều sợ cả. Nhưng họ vẫn tiếp tục, nỗ lực làm việc ngày đêm không nghỉ chứ không ai vì sợ hãi mà từ bỏ. Bởi vì còn hy vọng là sẽ còn sự sống.
Để có được những thước phim đắt giá và xúc động như vậy, ekip làm phim của Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự VTV đã sẵn sàng bất chấp mọi nguy hiểm khó khăn để vào tâm dịch, nằm vùng ở những điểm nóng, khu cách ly, bệnh viện dã chiến trong gần 1 tháng ròng.
Cuối tháng 7-2021, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp được cử vào TP HCM – tâm dịch Covid-19 của cả nước ở thời điểm bấy giờ để tác nghiệp, thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc chiến chống đại dịch. Nhóm 5 người đã chia thành 2 ekip: Một nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự, còn đạo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương, hiện được chuyển đổi thành khu điều trị sản phụ mắc Covid-19 lớn nhất với 120 giường.
Một số phân đoạn trong phim khiến người xem bật khóc
Suốt chiều dài 50 phút của bộ phim Ranh giới, bất cứ chi tiết, hình ảnh nào cũng có thể khiến khán giả rơi nước mắt vì cảm động, ngưỡng mộ, xót xa và đau đớn. Những bệnh nhân suy nhược vì khó thở, các bác sĩ chạy đua với tử thần để giành giật từng mạng sống, những bóng dáng mệt mỏi dựa vào tường nghỉ ngơi vài giây hay những lời chia sẻ, tâm sự đầy đau đớn…
Nhưng có lẽ phân đoạn người cha đến nhận di vật của con gái là gây ám ảnh nhất đối với mọi khán giả. Người đàn ông là cha của bệnh nhân – thai phụ Trần Thị Vân bị nhiễm Covid-19 và được đưa vào điều trị từ đầu tháng 8. Nhưng cô đã giấu gia đình và cha mẹ để mọi người đỡ lo lắng. Chỉ là cuối cùng không thể giấu được nữa, khi cô bị suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong, bác sĩ phải liên hệ thông báo cho người nhà biết tin. Càng đau đớn và ám ảnh hơn là chỉ đến khi con gái mất, bố mẹ cô mới biết cô bị nhiễm Covid-19 và đã ra đi cùng đứa con trong bụng.
Vì quy định không thể tiếp xúc với F0 nên người bố dù đến bệnh viện vẫn không thể gặp được con gái lần cuối, chỉ có thể nhìn con qua những tấm ảnh của bác sĩ chụp. Và người đàn ông ấy đã bật khóc nức nở, tiếng khóc xé lòng khiến bất cứ ai cũng cảm thấy đau đớn thay.
Hay phân đoạn bác sĩ phải gọi điện cho người chồng thông báo về việc sản phụ sẽ phải từ bỏ đứa bé trong bụng. Lúc này có thể nghe rõ giọng bác sĩ cũng run run, bởi vì nỗi đau đó là quá lớn đối với cả 2 bố mẹ, đối với sinh linh bé nhỏ chưa ra đời, và đối với bất cứ ai phải chứng kiến câu chuyện đó.
Sau khi xem bộ phim Ranh giới, bất cứ ai cũng bật khóc và cảm nhận rõ rệt sự khốc liệt của cuộc chiến chống Covid-19 này. Hy vọng rằng những thước phim chân thực này sẽ giúp người dân có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người xung quanh, chung sức đồng lòng người cả quốc gia đẩy lùi dịch bệnh thật sớm.